Theo tinh thần của Bộ GD- ĐT, từ năm học mới 2011- 2012 này bắt đầu chuẩn hóa công tác giảng dạy đối với giáo viên (GV) dạy tiếng Anh. Xem ra vấn đề này hơi bị khó, khi nhiều tỉnh thành kiểm tra lại năng lực trình độ GV dạy tiếng Anh phổ thông của địa phương thì bỗng dưng… “té ngửa” vì hầu hết chẳng đủ chuẩn TOEFL 550.
Theo tinh thần của Bộ GD- ĐT, từ năm học mới 2011- 2012 này bắt đầu chuẩn hóa công tác giảng dạy đối với giáo viên (GV) dạy tiếng Anh. Xem ra vấn đề này hơi bị khó, khi nhiều tỉnh thành kiểm tra lại năng lực trình độ GV dạy tiếng Anh phổ thông của địa phương thì bỗng dưng… “té ngửa” vì hầu hết chẳng đủ chuẩn TOEFL 550.
Chuẩn “thiếu”,kỹ năng “sót”
Ai cũng biết, nhiều năm trước đây hầu hết GV tiếng Anh ở trường phổ thông chủ yếu dạy 2 kỹ năng chính là đọc và viết. Nay dù đổi mới chương trình, cơ bản có đủ các kỹ năng, nhưng khi kiểm tra đánh giá thì vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu…
Giờ dạy– học Anh văn tại một trường tiểu học tại TP Vĩnh Long. Đây là trường đảm bảo đầy đủ đội ngũ GV, điều kiện cơ sở vật chất để dạy tiếng Anh cho HS từ lớp 3 trở đi.
Theo nhiều GV tiếng Anh, khi thi TOEFL 550 đòi hỏi cả 4 kỹ năng: nghe- nói- đọc và viết. Trong khi phần lớn GV ở nông thôn nói rằng họ khó có điều kiện rèn luyện thường xuyên để hoàn thiện kỹ năng nghe- nói. Nếu cứ căng theo yêu cầu: các GV tiếng Anh phải đạt trình độ TOEFL 550 để chuẩn hóa công tác giảng dạy thì e rằng… ở nhiều tỉnh thành, không ít GV dạy Anh văn sẽ… thất nghiệp vì khó đảm bảo chuẩn.
“Trường tôi dạy Anh văn cho học sinh (HS) từ lớp 3- 5 rất nhiều năm nay. Theo quy định, GV dạy tiếng Anh tiểu học có trình độ trung cấp, nhưng cả 3 GV của trường hiện nay đều ở trình độ đại học, cao đẳng”- Phó Hiệu trưởng Tiểu học Nguyễn Du, cô Nguyễn Kim Chung nói.
Theo trường này, nếu áp dụng chuẩn TOEFL của Bộ GD- ĐT, xem ra không chỉ riêng trường mà hầu hết các trường khác đều sẽ gặp khó, đấy là nói riêng ở bậc tiểu học.
Được biết, dạy Anh văn cho HS bậc tiểu học thì chỉ dừng lại ở các kiến thức cơ bản về cây, con, từ vựng, các từ giao tiếp, số đếm giản đơn,…
Ở bậc THPT, một GV 26 năm trong nghề tại Trường THPT Lưu Văn Liệt nói, dạy tiếng Anh THPT hiện nay đã “hiện đại” hơn nhiều. Bài dạy được chia thành 5 phần: nghe- nói- đọc- viết- ngữ pháp. Tuy nhiên, vì đặc thù của quá trình kiểm tra và thi cử, nhất là với HS lớp 12 thì cuối cùng chỉ còn… “sót” lại 2 kỹ năng là đọc hiểu và viết. Thành thử, năng lực tiếng Anh của HS vì thế cũng hạn chế đi nhiều. Vấn đề này thuộc về phạm trù “kiểm tra, đánh giá” và điều đó cần phải đổi mới– đây là cách lập luận của nhiều GV dạy tiếng Anh THPT.
Một nữ GV dạy tiếng Anh cấp II của một trường THCS ở Tam Bình nói, “chúng tôi chỉ được tập trung ôn tập… một buổi sau khi nhận được thông tin kiểm tra tiếng Anh theo chuẩn TOEFL iBT này. Tới bây giờ cũng chưa biết kết quả như thế nào?”
Nâng chuẩn: nên “mềm hóa”?
Vĩnh Long mới tổ chức “test” năng lực GV tiếng Anh cho 825 GV từ bậc tiểu học, THCS và THPT trong toàn tỉnh theo chuẩn TOEFL iBT của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ giữa tháng 8/2011. Đến hiện tại thì… các GV chưa biết được thông tin năng lực Anh văn của mình qua kỳ kiểm tra ấy tới đâu.
Theo Sở GD- ĐT Vĩnh Long, việc kiểm tra này là cơ sở để ngành hoàn thiện đề án nâng cao năng lực giảng dạy cho GV dạy tiếng Anh- theo tinh thần cụ thể Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2008- 2020” của Bộ GD- ĐT để trình tỉnh phê duyệt.
Tại nhiều tỉnh thành khác, họ cũng thấy “e ngại” với chuẩn này.
Hơn 500 GV tiếng Anh phổ thông của Sóc Trăng đang “cảm thấy lo lắng” khi trong tháng 9 này sẽ phải vào cuộc khảo sát năng lực, trình độ giảng dạy tiếng Anh. Điều ái ngại– theo nhiều GV– là trình độ của GV phổ thông “khác biệt” nhiều so với yêu cầu cần đạt của chuẩn TOEFL. Nếu áp chuẩn này mà không đạt, họ phải đi học lại để được đứng lớp.
Tại Bến Tre, trong tổng số 700 GV ngoại ngữ thì… chỉ có 1 GV đạt chuẩn B2, 60 GV đạt chuẩn B1, số còn lại không đạt.
Ngay cả ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các khảo sát để dạy ngoại ngữ theo đề án, theo chuẩn TOEFL để đứng lớp… đều thể hiện một kết quả khá thấp, căn theo chuẩn thì cũng… chưa đạt.
Trước thực trạng trình độ GV tiếng Anh quá thấp, nhiều trường lo ngại nếu áp “chuẩn” sẽ tạo “lỗ hổng” lực lượng GV dạy môn này. Trong khi đó, theo “lộ trình” của Bộ GD- ĐT, năm học này sẽ có khoảng 30- 40% HS lớp 3 trong cả nước bắt đầu học tiếng Anh, điều này càng làm tăng sức ép về GV cho các trường.
Nâng cao năng lực dạy và học tiếng Anh là cần thiết. Nhưng cách làm nào để phù hợp mới là vấn đề, để tránh gây lo lắng, xáo trộn trong lực lượng giảng dạy mới là quan trọng. Nếu không “mềm hóa” mà cứ “nhắm” theo chuẩn TOEFL 550 dành cho GV tiếng Anh phổ thông để đứng lớp thì không lẽ việc dạy– học tiếng Anh phải tạm hoãn trong thời gian chờ đào tạo lại cho các GV?
Dạy ngoại ngữ theo kiểu “dạy chay, học chay” đã làm cho nhiều thế hệ HS Việt Nam chỉ… đọc được tiếng Anh mà không nghe, nói được. Vì vậy, việc chuẩn hóa GV và hiện đại hóa cách thức dạy môn này là điều cần thiết.
Bài, ảnh: LAM NI – CAO THỤY
Chuẩn Hóa Tiếng Anh Emas - 15 NĂM KINH NGHIỆM đào tạo tiếng Anh cho người lớn và doanh nghiệp.
Mang đến giải pháp đột phá giúp bạn nhanh chóng lấy lại căn bản và tự tin giao tiếp tiếng Anh sau 2-3 tháng